Xét nghiệm karyotype (nhiễm sắc thể đồ)

1. Khái niệm xét nghiệm karyotype (nhiễm sắc thể đồ)

– Karyotype hay nhiễm sắc thể (NST) đồ là bộ NST được sắp xếp thành cặp theo thứ tự dựa trên quy ước quốc tế. Ở người, các tế bào trong cơ thể (Ngoại trừ tế bào trứng và tinh trùng) có 46 nhiễm sắc thể (23 cặp gồm 22 cặp NST thường và 1 cặp NST giới tính) với 23 nhiễm sắc thể từ bố và 23 nhiễm sắc thể từ mẹ.

  • NST đồ của nữ giới là 46,XX
  • NST đồ của nam giới là 46,XY.

                    

– Xét nghiệm karyotype hay NST đồ: là xét nghiệm được thực hiện nhằm xác định, đánh giá kích thước, hình dạng và số lượng NST trong mẫu tế bào cơ thể từ đó phát hiện được NST có bị bất thường hay không.

2. Các dạng bất thường NST đồ hay gặp

47,XX (XY),+21 hay trisomy 21 (Hội chứng Down): Trẻ mắc hội chứng này thường phát triển kém về thể chất và trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ, không thể tự chăm sóc bản thân, bất thường bẩm sinh về tim mạch, thính giác, thị giác, rối loạn tuyến giáp, tiêu hóa,…

47,XX(XY),+18 hay trisomy 18 (Hội chứng Edwards): Trẻ thường gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe do mang các dị tật bẩm sinh tim, thận và các cơ quan nội tạng khác; hầu hết trẻ sẽ không sống quá một năm.

47,XX(XY),+13 hay trisomy 13 (Hội chứng Patau): Thai thường bị sảy hoặc lưu, trẻ sinh ra thường có vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, thần kinh, sức khỏe yếu, não bộ kém phát triển và thường chỉ sống được một gian ngắn sau sinh.

47,XXY (Hội chứng Klinefelter: Trẻ (Nam giới) mắc hội chứng Klinefelter trong giai đoạn dậy thì thường không phát triển, tinh hoàn nhỏ và có thể bị vô sinh.

45,XO (Hội chứng Turner): Trẻ (Nữ giới) thường có cổ ngắn, vóc dáng thấp, tử cung và buồng trứng nhỏ, vô kinh, vô sinh,…

Nhiễm sắc thể Philadelphia: hay còn gọi là chuyển đoạn Philadelphia là một bất thường nhiễm sắc thể đặc hiệu có liên quan đến thể CML (Chronic Myelogenous Leukemia) của bệnh Bạch cầu cấp. Đây là kết quả của sự chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và số 22, t(9;22) (q34;q11). 95% người bệnh CML có bất thường này.

Các rối loạn về cấu trúc: chuyển đoạn, mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn…

Các dị tật thai nhi thường gặp, hội chứng down
Hội chứng down

3. Đối tượng được khuyến cáo chỉ định xét nghiệm karyotype

+ Mọi đối tượng muốn kiểm tra/xác định bộ NST của bản thân.

+ Các cặp vợ chồng vô sinh/hiếm muộn, có bất thường về hình thái liên quan đến di truyền.

+ Phụ nữ sảy thai nhiều lần hoặc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như tuổi cao (>35 tuổi), kết quả sàng lọc trước sinh không xâm lấn có nguy cơ cao…

+ Trẻ sau sinh có bất thường về hình thái liên quan đến di truyền hoặc có giới tính chưa được xác định rõ ràng.

+ Một số bệnh lý ác tính về máu như: bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, bệnh bạch cầu mạn dòng lympho, đa u tủy, bệnh suy tủy, loạn sinh tủy cần xác định những bất thường nhiễm sắc thể gồm bất thường về số lượng (đơn bội, đa bội) hoặc các bất thường về cấu trúc (mất đoạn, chuyển đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn).

– Với chỉ định Karyotype ối: chẩn đoán bất thường nhiễm sắc thể thai nhi trong các trường hợp mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao, kết quả bất thường trên siêu âm,… Với chỉ định này phải tiến hành chọc hút dịch ối nên thường được thực hiện sau khi thai đã được 16-17 tuần.

4. Xét nghiệm karyotype được thực hiện để giúp:

  • Tìm hiểu xem liệu NST của ba/mẹ có thay đổi khi di truyền cho con cái hay không.
  • Tìm hiểu xem có tồn tại NST khiến người phụ nữ gặp khó khăn khi mang thai hoặc có thể bị sảy thai hay không.
  • Tìm hiểu xem có khiếm khuyết NST trong bào thai hay không. Xét nghiệm karyotype cũng có thể phát hiện tình trạng thai chết lưu có phải do vấn đề NST gây ra hay không.
  • Có thể giúp xác định nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh ở trẻ em.
  • Xác định giới tính của một người bằng cách kiểm tra sự hiện diện của NST Y. Điều này có thể được thực hiện khi giới tính của trẻ sơ sinh chưa được xác định rõ ràng.
  • Giúp phát hiện các bất thường NST gồm bất thường về số lượng như thiểu bội, đa bội hoặc các bất thường về cấu trúc như mất đoạn, chuyển đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn… trên các bệnh lý ác tính về máu.

5. Loại mẫu để xét nghiệm karyotype

Tiến hành rút 2ml tủy xương hoặc 4ml máu ngoại vi (đối với mẫu có blast >10%).

  • Đối với bệnh loạn sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu mạn dòng lympho thì cần lấy 2ml tủy xương, mẫu tủy xương sẽ được lấy qua phương pháp sinh thiết
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy có bạch cầu máu tăng cao > 50.000/mm3 thì cần lấy 4ml máu ngoại vi.
  • Đối với bệnh lý di truyền, vô sinh, dị tật bẩm sinh: cần lấy 2mL máu ngoại vi.

Một số trường hợp mẫu xét nghiệm là dịch ối được lấy qua phương pháp sinh thiết buồng ối trong tử cung.

Phòng giải phẫu bệnh tế bào học của Genome

6. Quy trình thực hiện xét nghiệm karyotype

Quy trình chung: Các loại mẫu máu và dịch ối được tiến hành nuôi cấy tế bào trong một môi trường chuyên biệt và thu hoạch sau thời gian thích hợp. Tiếp theo, tiến hành nhuộm đặc trưng tế bào bằng kỹ thuật nhuộm băng G tiêu chuẩn. Sau bước nhuộm tế bào, số lượng và cấu trúc của các cặp NST sẽ được khảo sát bằng kính hiển vi và sử dụng phần mềm chuyên dụng để phân tích và lập bộ nhiễm sắc thể hoàn chỉnh.

Đặc điểm của quy trình xét nghiệm karyotype tại Genome:

– Phương pháp: Kỹ thuật nhuộm băng G.

– Hệ thống sử dụng: Hệ thống kính hiển vi huỳnh quang AXIO Scope của hãng Carl Zeiss (Đức), phần mềm phân tích SmartType.

– Thời gian có kết quả từ khi nhận mẫu: 2-3 tuần.

– Loại mẫu: Máu tĩnh mạch (máu ngoại vi, máu toàn phần) với chỉ định Karyotype máu, dịch ối với chỉ định Karyotype ối. Ngoài ra, xét nghiệm này còn có thể thực hiện được trên các loại mẫu khác như tủy xương, gai nhau hoặc các mô cơ quan của người.

Chuyên gia di truyền Genome tư vấn sau xét nghiệm

Tài liệu tham khảo

– Hoàng Thị Ngọc Lan, Ngô Minh Thắng, Lê Phương Thảo, Ngô Tuyết Nhung (2014), “Những bất thường số lượng NST của thai tại Trung tâm Chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Phụ Sản Trung ương từ năm 2011-2012”, Tạp chí Phụ sản, 12(2), pp. 156-159.

– Trần Danh Cường (2005), “Một số nhận xét về kết quả chọc hút nước ối trong chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương”, Nội san Thai phụ khoa, số đặc biệt, pp. 348-356.

– Ozkan E., Lacerda M.P. (2023), “Genetics, Cytogenetic Testing And Conventional Karyotype”, StatPearls Publishing.

(Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK563293/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
ĐĂNG KÝ TƯ VẤNTRA CỨU KẾT QUẢ