Tổng quan về bệnh Alpha thalassemia (α-thalassemia)
Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh có tỉ lệ mắc phải cao ở trẻ em Việt Nam. Với những biểu hiện chính là thiếu máu và thừa sắt, bệnh nhân thalassemia cần phải được truyền máu và dùng thuốc thải sắt suốt đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ bị giảm khả năng lao động và sinh hoạt gây nên những gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Nguyên nhân gây bệnh là do đột biến làm mất chức năng gen mã hóa cho chuỗi α-globin và β-globin tương ứng gây bệnh alpha thalassemia và beta-thalassemia. Vùng gen gây bệnh alpha thalassemia nằm trên cánh ngắn nhiễm sắc thể 16 (16p13.3) gồm 2 gen: HbA1 và HbA2 lần lượt mã hóa cho hai chuỗi alpha-1 globin và alpha-2 globin (Hình 1) [1, 3]. Alpha thalassemia là rối loạn di truyền gây bệnh huyết sắc tố (Hb) phổ biến nhất trên thế giới, với tần số gen thay đổi từ 1% đến 98% ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong đó đột biến chiếm ưu thế trên 95% của bệnh α-thalassemia được công nhận liên quan đến việc mất một hoặc cả hai gen α-globin trên nhiễm sắc thể 16. Phổ biến nhất trong số này là mất đoạn -α.3.7 và -α.4.2, hai đột biến mất đoạn phổ biến ở Đông Nam Á (–SEA) và Địa Trung Hải (–FIL) [1]. Mất đoạn SEA làm mất đoạn DNA chứa cả hai gen HBA1 và HBA2 dài khoảng 20 kb gây α0-thal. Đột biến điểm ít gặp hơn tuy nhiên gặp nhiều nhất là đột biến điểm HbCs (TAA-CAA) (chiếm đến 5% dân số tại một số khu vực thuộc Đông Nam Á). Đột biến này làm thay đổi bộ ba kết thúc của exon 3 trên gen alpha-2 globin gây ra việc tổng hợp chuỗi globin Constant Spring dài 172 axit amin thay vì chuỗi alpha-2 globin dài 141 axit amin. Sự kết hợp giữa mất đoạn SEA và HbCs (–SEA/αCSα) tạo nên thể bệnh HbH. Bệnh alpha thalassemia chủ yếu do kết hợp hai đột biến mất đoạn, sự kết hợp giữa mất đoạn và đột biến điểm xảy ra ít hơn [2, 4].
Hình 1: Sơ đồ của cụm gen α-globin. Các gen được hiển thị bởi hình hộp. Thang đo được tính bằng kilobase (kb). Mất đoạn α-thalassemia (α-thal) phổ biến nhất được biểu diễn là các thanh màu xám và được chia thành α+-thal và α0-thal [1].
Chẩn đoán trước chuyển phôi
PGT-M (Preimplantation genetic testing for monogenic disorders) là kỹ thuật chẩn đoán các rối loạn đơn gen trước chuyển phôi, giúp các cặp vợ chồng có thể có được các thai nhi khỏe mạnh, không bị mắc các rối loạn đơn gen di truyền từ bố mẹ. Bằng việc khuếch đại các marker STR liên kết với gen alpha globin giúp phát hiện các alen mang đột biến của bố mẹ và sàng lọc được các phôi không mang gen bệnh. Phương pháp sàng lọc di truyền trước chuyển phôi là một giải pháp rất hữu ích cho các cặp vợ chồng giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Chẩn đoán trước sinh
Chẩn đoán trước sinh được tiến hành gồm các bước:
- Xét nghiệm ADN của bố, mẹ, phân tích đột biến của mỗi người.
- Chọc hút dịch ối hoặc sinh thiết gai nhau khi người mẹ mang thai.
- Xét nghiệm ADN của nước ối hoặc gai nhau.
- Tư vấn đình chỉ thai kỳ nếu bào thai bị bệnh thể nặng.
- Sử dụng dịch vụ đình chỉ thai kỳ (Sản khoa).
Với các biện pháp chẩn đoán trước sinh như trên thì nhiều nước đã đạt được kết quả rất tốt, thậm chí là đã ngăn ngừa, không sinh ra trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng. Điều này không những hạn chế được những khó khăn của các gia đình có người bệnh mà còn tập hợp nguồn lực để điều trị tốt cho những người bệnh tan máu bẩm sinh khác [5].
Tài liệu tham khảo:
- Chong, S.S., et al., Single-tube multiplex-PCR screen for common deletional determinants of α-thalassemia. 2000. 95(1): p. 360-362.
- Derry, S., et al., Hematologic and biosynthetic studies in homozygous hemoglobin Constant Spring. 1984. 73(6): p. 1673-1682.
- Farashi, S., C.L.J.B.C. Harteveld, Molecules, and Diseases, Molecular basis of α-thalassemia. 2018. 70: p. 43-53.
- Sương N.T.B, Kỹ thuật chẩn đoán bệnh di truyền. Nhà Xuất Bản Y Học, 2013: p. 103-106.
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-thalassemia-co-nguy-hiem-khong/