I, Tổng quan về bệnh hemophilia
1, Khái niệm chung:
Hemophilia là một bệnh chảy máu di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể (NST) giới tính X gây ra do giảm yếu tố VIII (hemophilia A) hoặc yếu tố IX (Hemophilia B) dẫn tới rối loạn sinh thromboplastin làm máu chậm đông.
Bệnh được phân chia thành 3 dạng:
- Hemophilia A (80-85%) thiếu yếu tố VIII,
- Hemophilia B (15-20%) thiếu yếu tố IX,
- Hemophilia C (chủ yếu ở người Do Thái với tỉ lệ mắc đồng hợp tử khoảng 1-3%) thiếu yếu tố XI.
2, Triệu chứng bệnh:
Các triệu chứng của thiếu hụt yếu tố VIII (thể hemophilia A) và yếu tố IX (thể hemophilia B) là giống nhau. Người bệnh thường xuất hiện:
– Các mảng bầm tím lớn;
– Chảy máu trong cơ và khớp (cảm giác ngứa ran, nóng, đau, cứng khớp), nhất là các khớp gối, khớp khuỷu tay và khớp cổ chân;
– Các chảy máu bên trong cơ thể không rõ nguyên nhân;
– Chảy máu kéo dài sau một vết cắt, sau nhổ răng hoặc sau phẫu thuật;
– Chảy máu kéo dài sau khi bị tai nạn, nhất là sau chấn thương vùng đầu.
3, Tỉ lệ mắc phải
Theo tổ chức Hemophilia thế giới, hiện nay có khoảng 250.000 bệnh nhân mắc bệnh nhưng chỉ có khoảng 20% số họ được điều trị. Tần suất chung tỷ lệ mắc ở các nước là khoảng 30-100/1.000.000 dân.
Tại Việt Nam, hiện tại có khoảng 30.000 người mang gen bệnh Hemophilia nhưng chỉ khoảng 1.500 người được phát hiện và điều trị, trong đó Hemophilia A chiếm 85%; 13,16% là Hemophilia B còn lại là các bệnh nhân bị các bệnh rối loạn đông máu khác.
Có thể chẩn đoán thể bệnh Hemophilia theo biểu hiện lâm sàng (Bảng 1).
Bảng 1: Chẩn đoán mức độ bệnh Hemophilia theo biểu hiện lâm sàng
Mức độ | Nồng độ yếu tố % hoạt tính (đơn vị/ml) | Biểu hiện chảy máu |
Nặng (chiếm 70%) | 1% (<0,01) | Chảy máu tự nhiên không liên quan đến chấn thương, thường chảy máu ở khớp và cơ. |
Trung bình (chiếm 15%) | 1 – 5 % (0,01 – 0,05) | Chảy máu tự nhiên hoặc liên quan đến chấn thương nhỏ. Chảy máu nặng sau chấn thương, phẫu thuật. |
Nhẹ (chiếm 15%) | 5 – 40% (0,04 – 0,4) | Chảy máu sau chấn thương lớn/ phẫu thuật. |
4, Cơ chế di truyền của bệnh
Đa số các trường hợp bệnh máu khó đông là do di truyền, nghĩa là bệnh được truyền qua gen của bố mẹ và người bệnh khi sinh ra đã mang bệnh hemophilia chứ không bị lây nhiễm bệnh từ một người nào khác.
Tuy nhiên, có 1 số trường hợp bệnh nhân không có tiền sử gia đình. Những trường hợp này được cho là do một đột biến gen tự phát của chính người bệnh gây ra.
Mỗi NST chứa nhiều đơn vị gọi là gen có tác dụng quy định chức năng của cơ thể. Ngoài chức năng qui định giới tính, NST X còn chứa những gen cho phép sản xuất yếu tố đông máu VIII và IX. Ở bệnh nhân hemophilia, những gen này bị hỏng nên sản xuất không đủ lượng yếu tố VIII và yếu tố IX cho quá trình đông máu. Ở phụ nữ có 2 NST X nên dù một NST X mang gen bệnh thì vẫn còn 1 NST X còn lại sản xuất yếu tố đông máu. Điều này giải thích tại sao phụ nữ mang gen hemophilia có thể có lượng yếu tố đông máu như những người có NST X bình thường. Ở đàn ông (đôi NST XY), NST Y không mang gen sản xuất yếu tố VIII và yếu tố IX vì vậy nếu người đàn ông này nhận NST X hemophilia từ mẹ thì anh ta sẽ bị bệnh.
Mỗi lần mang thai, người mẹ mang gen hemophilia (có một NST X mang gen bệnh) có khả năng truyền gen cho đời sau với tỷ lệ 1/2. Nếu gen bệnh truyền cho con trai thì sẽ bị hemophilia. Nếu truyền cho con gái thì con gái sẽ là người mang gen hemophilia.
Nếu bố là bệnh nhân hemophilia và mẹ là người bình thường thì tất cả con gái đều mang gen hemophilia. Con trai của người này hoàn toàn bình thường và cũng không truyền bệnh cho thế hệ sau.
Nếu bố bị hemophilia và mẹ mang gen thì có khả năng sinh con gái bị hemophilia.
II, Chẩn đoán trước chuyển phôi cho bệnh Hemophilia
PGT-M (Preimplantation genetic testing for monogenic disorders) là kỹ thuật chẩn đoán các rối loạn đơn gen trước chuyển phôi, giúp các cặp vợ chồng có thể có được các thai nhi khỏe mạnh, không bị mắc các rối loạn đơn gen di truyền từ bố mẹ. Bằng việc khuếch đại các marker STR liên kết với gen bệnh giúp phát hiện các alen mang đột biến của bố mẹ và sàng lọc được các phôi không mang gen gây bệnh.
1, Đối tượng làm chẩn đoán trước chuyển phôi:
Các cặp vợ chồng mang bệnh/gen bệnh hemophilia có nhu cầu sàng lọc phôi để sinh con không mang gen bệnh hoặc không bị bệnh.
2, Quy trình xét nghiệm PGT-M hemophilia
Bước 1- Tư vấn hỗ trợ: Các cha mẹ nhận tư vấn với bác sĩ và cố vấn di truyền Genome.
Bước 2- Chuẩn bị PGT-M: Genome sẽ thiết kế một quy trình duy nhất cho mỗi gia đình. Sở dĩ quy trình của mỗi gia đình đều khác biệt là do sự đặc thù trong kiểu đột biến gen mà mỗi gia đình mắc phải đòi hỏi những phương pháp riêng để giải quyết. Giai đoạn chuẩn bị PGT-M được thực hiện trên mẫu máu của các thành viên trong gia đình.
Bước 3 – IVF: Phôi được tạo thông qua một chu kì IVF và nuôi từ ngày 3 đến ngày 5.
Bước 4 –Sinh thiết phôi: Một vài tế bào được sinh thiết cẩn thận từ phôi được gửi đến phòng xét nghiệm Genome.
Bước 5 – PGT-M: Quy trình được thiết kế riêng cho gia đình đó sẽ được thực hiện trên mẫu phôi kết quả và đánh giá được gửi lại cho trung tâm IVF.
Bước 6 – Chuyển phôi: Dựa trên báo cáo phân tích từ Genome, các bác sĩ sẽ chọn phôi có chất lượng tốt nhất, không mang bệnh/gen bệnh để chuyển vào tử cung người mẹ.
3, Phương pháp:
Genome sử dụng các marker liên kết gen kết hợp giải trình tự. Phân tích liên kết gen sử dụng kỹ thuật Microsatellite DNA là một công cụ mạnh trong chẩn đoán bệnh di truyền. Một nhóm gen được gọi là có liên kết khi chúng luôn được di truyền cùng nhau – hay không bị trao đổi chéo trong quá trình giảm phân. Vì vậy, thông qua việc xác định các gen liên kết với gen bệnh, có thể nghiên cứu được bệnh gây ra bởi rối loạn đơn gen hay đa gen, hay chẩn đoán các rối loạn đơn gen phức tạp. Quy trình phân tích bao gồm xác định kiểu gen của các thành viên trong gia đình nghi ngờ mang gen bệnh, sau đó thiết lập sơ đồ phả hệ nhằm xem xét sự di truyền của nhóm gen liên kết với gen bệnh. Tuy nhiên phương pháp này có tỷ lệ mất alen (ADO) rất lớn, lên tới 25%. Để giải quyết vấn đề ADO, Genome thiết kế thêm nhiều marker liên kết gen kết hợp với phương pháp giải trình tự trực tiếp. Qua đó đã tiến hành xét nghiệm PGT-M thành công cho nhiều gia đình mang gen bệnh hemophilia.
3, Ưu điểm của PGT-M:
Cung cấp những thông tin về sức khỏe di truyền của phôi. Từ những thông tin này bác sĩ có thể lựa chọn những phôi tốt, không mang bất thường về di truyền để chuyển phôi từ đó tăng tỷ lệ có thai cũng như tăng cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh, không mắc phải những hội chứng di truyền đã sàng lọc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn có bệnh lý về di truyền.
III, Chẩn đoán trước sinh
Trong mỗi lần sinh, người mang bệnh/ mang gen có nguy cơ truyền gen bệnh cho con. Chẩn đoán trước sinh giúp bác sĩ theo dõi, phát hiện sớm tình trạng mang bệnh/ mang gen ở thai nhi. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra mang bệnh/ mang gen hemophilia.
Chẩn đoán trước sinh được tiến hành gồm các bước như:
- Xét nghiệm ADN của 2 cha mẹ, phân tích đột biến của mỗi người.
- Chọc hút nước ối hoặc sinh thiết gai rau khi bà mẹ mang thai.
- Xét nghiệm ADN của nước ối hoặc gai rau.
- Tư vấn đình chỉ thai nghén nếu bào thai bị bệnh thể nặng.
- Sử dụng dịch vụ đình chỉ thai nghén (Sản khoa).
Vui lòng liên hệ cùng Genome để được các chuyên gia tư vấn về bệnh hemophilia và các xét nghiệm liên quan trong quá trình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ sinh sản.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Hương Quế (2008), Nghiên cứu tác dụng không mong muốn ở bệnh nhân Hemophilia A được truyền chế phẩm máu tại viện Huyết học truyền máu Trung ương giai đoạn 2004-2008, Đại học Y Hà Nội.
- Hoffbrand V. and P. A. Moss (2011), Essential haematology, Vol. 28, John Wiley & Sons.
- Mittal G. P. B. (2001), Molecular diagnosis in haemophilia A, Journal of postgraduate medicine, Vol. 4.
- Oldenburg J., J. Schröder, H. H. Brackmann, C. Müller-Reible, R. Schwaab and E. Tuddenham (2004), Environmental and genetic factors influencing inhibitor development, Seminars in hematology, Elsevier, tr. 82-88.
- Bệnh viện Nhi Trung Ương (2013), Phác đồ chẩn đoán điều trị bệnh Hemophilia, truy cập ngày 30/4-2017, tại trang web http://benhviennhitrunguong.org.vn/phac-do-chan-doan-dieu-tri-benh-hemophilia
- Viện Huyết học truyền máu Trung ương: https://vienhuyethoc.vn/