Bệnh mù bẩm sinh Leber hay mù võng mạc bẩm sinh

Nhóm bệnh: Mắt 

Tên bệnh: Mù bẩm sinh Leber

Tiếng Anh: Leber Congenital Amaurosis

Viết tắt: LCA

Kiểu di truyền: AR/AD tùy vào biến thể

Tên gọi khác: Mù võng mạc bẩm sinh, LCA, Leber’s amaurosis

1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh mù bẩm sinh Leber (Leber Congenital Amaurosis-LCA) là dạng bệnh võng mạc di truyền nghiêm trọng, gây mù sớm nhất ở trẻ em. LCA được đặc trưng bởi ít nhất ba dấu hiệu: suy giảm thị lực sớm và nghiêm trọng, phản ứng đồng tử chậm hoặc gần như không có, và ERG (điện võng mạc đồ) dưới mức bình thường hoặc không thể phát hiện được cho thấy võng mạc hầu như không còn chức năng. Sau đó, võng mạc bị tổn thương và mỏng đi, thường có những thay đổi về sắc tố, và các đầu dây thần kinh thị giác trở nên nhợt nhạt.

Ở những bệnh nhân LCA, có thể thấy cử động không tự chủ của mắt (rung giật nhãn cầu) ngay từ 6 tuần tuổi. Viễn thị thường gặp ở bệnh nhân LCA mặc dù vậy, họ cũng có thể bị cận thị nặng, sợ ánh sáng. Chức năng thị giác và thị lực (VA) rất khác nhau, thường nằm trong khoảng từ 20/200 đến nhận thức về ánh sáng hoặc bao gồm cả không nhận thức được ánh sáng. Các hành vi bao gồm chọc, ấn và dụi mắt bằng đốt ngón tay hoặc ngón tay góp phần làm cho mắt sâu và có giác mạc hình chóp ở trẻ em bị mắc bệnh làm trầm trọng thêm tình trạng thị lực kém của bệnh lý này. Một số trường hợp LCA có chậm phát triển, khuyết tật đã được báo cáo.

2. Tỉ lệ lưu hành

LCA là một bệnh không đồng nhất về mặt di truyền ảnh hưởng đến 1 trong 30000 đến 1 trong 81000 cá thể tùy cộng đồng.

3. Chẩn đoán và các xét nghiệm chẩn đoán

*Chẩn đoán: Các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ bệnh khởi phát sớm từ lúc mới sinh cho tới 5 tuổi, rung giật nhãn cầu, phản xạ ánh sáng kém, thị lực kém… và tiền sử gia đình có thể có bệnh lý võng mạc. Chẩn đoán xác định bằng điện võng mạc đồ (ERG), xét nghiệm di truyền xác định gen đột biến.

*Xét nghiệm chẩn đoán:

– Điện võng mạc đồ (ERG)

– Chụp cắt lớp quang học mắt (OCT)

4. Chẩn đoán phân biệt

 Bệnh lý có rối loạn võng mạc: Bệnh mù màu, quáng gà bẩm sinh, bạch tạng mắt, Achromatopsia

– Hội chứng: Neuronal Lipofuscinoses ceroid thần kinh (NCL), HC Joubert, Rối loạn Zellweger spectrum, HC Alstrom, thiếu Cobalamin C.

5. Yếu tố di truyền

Bệnh không đồng nhất về mặt di truyền. Cho đến nay, có 24 gen liên quan đến 70-80% trường hợp mắc LCA đã được xác định. Các gen này tham gia mã hóa cho các protein quan trọng trong một số con đường sinh lý và phát triển võng mạc. Đột biến tại bất kỳ gen nào liên quan đến chứng mù bẩm sinh Leber đều làm gián đoạn sự phát triển và hoạt động của võng mạc, dẫn đến mất thị lực sớm. Khoảng 30% những người mắc chứng mù bẩm sinh Leber không rõ nguyên nhân.

6. Phân bố các loại đột biến

Một số các đột biến trên các gen CEP290 (15-20%), CRB1 (10%), GUCY2D (10-20%), RDH12 (10%), RPE65 (5-10%) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng mù bẩm sinh Leber, đột biến tại các gen khác thường chiếm tỷ lệ nhỏ hơn (<5%).

7. Các kỹ thuật phân tử liên quan

– Do LCA không đồng nhất về mặt kiểu hình và khó phân biệt với nhiều bệnh loạn dưỡng võng mạc khác vì vậy xét nghiệm panel nhóm gen loạn dưỡng võng mạc (giải trình tự gen, phân tích mất/ lặp đoạn) hoặc giải trình tự toàn bộ exome/genome là lựa chọn ưu tiên.

– Xét nghiệm đơn gen (giải trình tự gen, phân tích lặp/mất đoạn): không được khuyến khích

8. Chiến lược sàng lọc biến thể gen

– Giải trình tự gene panel nhóm bệnh loạn dưỡng võng mạc đây là phương pháp sàng lọc biến thể hiệu quả nhất đối với LCA.

– Giải trình tự toàn bộ exome/genome được lựa chọn với những người nghi ngờ hoặc có kiểu hình không điển hình có thể phát hiện những biến thể chưa được biết liên quan đến loạn dưỡng võng mạc.

– Xét nghiệm đơn gen: không được khuyến khích, có thể xem xét nếu như trước đó đã xác định được biến thể gây bệnh dị hợp tử trong gen lặn liên quan đến LCA.

9. Tư vấn di truyền

*Bệnh mù bẩm sinh Leber thường được di truyền theo mô hình lặn trên nhiễm sắc thể (NST) thường, nghĩa là cả hai bản sao của gen trong mỗi tế bào đều có đột biến. Cha mẹ của người mắc bệnh mang một bản sao của gen đột biến, nhưng họ thường không có biểu hiện của bệnh. Một số LCA di truyền trội trên NST thường do các biến thể gây bệnh tại một số gen hiếm gặp như CRX, OTX2 hoặc IMPDH1. Trong trường hợp này, một bản sao của gen bị thay đổi trong mỗi tế bào cũng đủ để gây bệnh. Trong hầu hết các trường hợp này, một người mắc bệnh do thừa hưởng đột biến gen từ cha hoặc mẹ. Các trường hợp khác là do đột biến mới phát sinh và xảy ra ở những người có gia đình không có tiền sử mắc bệnh.

*Tư vấn di truyền nên được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Xét nghiệm di truyền trước sinh và tiền làm tổ khi (các) biến thể gây ra LCA đã được xác định ở một thành viên gia đình bị bệnh. Đặc biệt trong trường hợp con mắc bệnh LCA đã xác định đột biến di truyền trội thì cha/mẹ nên được tư vấn tiến hành sàng lọc.
  • Người có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ LCA.

Đội ngũ chuyên gia Genome

Tài liệu tham khảo:

1.National Library of Medicine. Fabry Disease; last update March 23 2023 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531510/.

2.Genetic and Rare Diseases Information Center. Leber congenital amaurosis; last update November 2023 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/634/leber-congenital-amaurosis.

3.U.S National Library of Medicine. Leber congenital amaurosis; last update October 16 2022 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/leber-congenital-amaurosis/.

4.Altaf A Kondkar1, Khaled K Abu-Amero.  Leber congenital amaurosis: Current genetic basis, scope for genetic testing and personalized medicine. Exp Eye Res. 2019, 189: 107834.

5.Chu-Hsuan Huang, Chung-May Yang, Chang-Hao Yang, Yu-Chih Hou, and Ta-Ching Chen. Leber’s Congenital Amaurosis: Current Concepts of Genotype-Phenotype Correlations. Genes. 2021; 12(8): 1261.

6.Neruban Kumaran, Anthony T Moore, Richard G Weleber, Michel Michaelides. Leber congenital amaurosis/early-onset severe retinal dystrophy: clinical features, molecular genetics and therapeutic interventions. Br J Ophthalmol.  2017; 101(9):1147-1154.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
ĐĂNG KÝ TƯ VẤNTRA CỨU KẾT QUẢ