Báo cáo ca bệnh: Dính khớp quay trụ phát hiện biến thể trên gen SMAD6

I, Đặt vấn đề

Dính khớp quay trụ (Radioulnar Synostosis) là bệnh xương khớp di truyền hiếm gặp. Tổn thương điển hình là đầu trên xương quay và xương trụ dính vào nhau, làm hạn chế động tác sấp và ngửa của cẳng tay. Ca bệnh đầu tiên được báo cáo bởi Sandifort vào năm 1793. Hiện nay, khoảng 700 ca bệnh đã được báo cáo (Rutkowski and Samora 2021).

Bệnh nhân thường gặp những khó khăn sinh hoạt hàng ngày do cử động ngửa bàn tay bị hạn chế, không thể sấp hoặc quay ngửa bàn tay hoàn toàn. Trẻ em bị bệnh có thể gặp khó khăn khi xoay nắm cửa hoặc ném bóng. Việc chẩn đoán có thể bị bỏ sót do cử động xoay của vai hoặc cổ tay bù đắp một phần hạn chế của bệnh (Rutkowski and Samora 2021). Bệnh thường gặp ở nam nhưng vẫn chưa có đầy đủ số liệu để kết luận mối liên quan với giới tính (Kunes. October 28, 2023). Nguyên nhân gây dị tật dính khớp quay trụ vẫn chưa rõ ràng. Dính khớp quay trụ có thể xảy ra ở bệnh nhân Tetrasomy X, hoặc bệnh nhân mắc các bệnh lý đơn gen như hội chứng Ba Lan, Cornelia de Lange, Holt-Oram, Crouzon và Apert (Elliott, Kibria et al. 2010). Ngoài ra, dính khớp quay trụ là kết quả của việc giảm biểu hiện gen SMAD6 (Yang, Zheng et al. 2019).

Gen SMAD6 nằm trên nhánh dài NST 15 (15q22.31), có chiều dài 80,614 bases, bao gồm 7 exon, quy định tổng hợp protein SMAD6. Đây là protein quan trọng tham gia vào con đường dẫn truyền tín hiệu quy định hình thái xương (the bone morphogenetic proteins (BMP) signalling cascade) (Yang, Zheng et al. 2019, Luyckx, Verstraeten et al. 2022). Giảm biểu hiện gen SMAD6 có thể gây ra một số dị tật bẩm sinh như dị tật tim bẩm sinh bao gồm tắc nghẽn tâm thất trái, khiếm khuyết vách nón (conotruncal defects), dị tật dính khớp sọ  (craniosynostosis), dị tật dính khớp quay trụ (radioulnar synostosis) (Luyckx, Verstraeten et al. 2022).

Báo cáo này trình bày một ca bệnh là bệnh nhân nam bị dị tật dính khớp quay trụ phát hiện đột biến gây bệnh trên gen SMAD6  bằng xét nghiệm giải trình tự toàn bộ hệ gen mã hóa  (Whole Exome Sequencing-WES).

II, Mô tả ca bệnh dính khớp quay trụ

  • Bệnh nhân nam 35 tuổi, bị giới hạn ngửa bàn tay ở cả hai bên.
  • Góc vận động sấp ngửa của cẳng tay bị giới hạn làm bàn tay khó thực hiện động tác ngửa. Động tác ngửa tay có thể thực hiện tối đa 900.
Hình 1: Hình ảnh dính khớp quay trụ trên trên phim X-quang  – a)cẳng tay trái; b) cẳng tay phải

III, Kết quả xét nghiệm gen

Kết quả xét nghiệm WES phát hiện đột biến dị hợp tử trên gen SMAD6 NM_005585.4: c.34C>T (p.Arg12*) dẫn tới xuất hiện mã kết thúc sớm. Biến thể này đã được báo cáo trên cơ sở dữ liệu ClinVar (cập nhật gần nhất: 25/12/2023), được xếp loại “Conflicting classifications of pathogenicity”.

Một nghiên cứu được tiến hành từ tháng 1 năm 1992 đến tháng 12 năm 2004 tại khoa Chỉnh hình bệnh viện Nhi Trung Ương nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng của phương pháp phẫu thuật điều trị dị tật khớp quay trụ (Hung 2008). Cụ thể, nghiên cứu đã ghi nhận 34 bệnh nhân mắc dị tật. Trung bình, các bệnh nhi được chẩn đoán và tiến hành điều trị vào khoảng 6 tuổi. Kết quả sau phẫu thuật cải thiện góc quay cẳng tay từ 0-30o và không ghi nhận biến chứng.

Mặc dù, dị tật dính khớp quay trụ đã được chứng minh là liên quan đến các yếu tố di truyền, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào khai thác đặc điểm di truyền ở các bệnh nhân mắc dị tật này. Đây là ca bệnh đầu tiên về rối loạn di truyền liên quan đến gen SMAD6 gây dị tật khớp quay trụ được báo cáo.

Dị tật dính khớp trụ quay có thể biểu hiện từ thể nhẹ đến thể nặng, đặc trưng bởi khả năng xoay cẳng tay từ tư thế úp đến ngửa lòng bàn tay. Vì đây là dị tật rất hiếm, việc thăm khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh tại Việt Nam còn nhiều giới hạn. Đặc biệt trong xét nghiệm di truyền, khai thác thông tin lâm sàng phục vụ phân tích kết quả WES là một thách thức. Trong giai đoạn thăm khám ban đầu, mặc dù bệnh nhân có biểu hiện bệnh đặc trưng là không thể ngửa lòng bàn tay, tuy nhiên chưa thể đưa ra chẩn đoán xác định. Sau khi phát hiện đột biến gen SMAD6 nghi ngờ liên quan đến bệnh lý, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang xương cẳng tay. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân mắc dị tật dính xương quay trụ ở cả hai cẳng tay (Hình 1), phù hợp với đột biến gen SMAD6 được phát hiện bằng xét nghiệm WES. Đây là một minh chứng rõ nét về tầm quan trọng giữa phối hợp chuyên khoa lâm sàng và xét nghiệm phân tử trong chẩn đoán bệnh lý di truyền.

Sau khi phát hiện đột biến gen, bệnh nhân được thực hiện tư vấn di truyền về nguyên nhân gây bệnh và những lựa chọn trong HTSS để dự phòng sinh con mang bệnh.

IV, Kết luận ca bệnh

Chúng tôi đã phát hiện thành công đột biến dị hợp tử trên gen SMAD6 NM_005585.4: c.34C>T (p.Arg12*) gây bệnh dính khớp quay trụ bằng xét nghiệm Clinical WES. Đây là một minh chứng rõ rét về tiềm năng xét nghiệm Clinical WES trong phân tích đột biến di truyền.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Elliott, A. M., L. Kibria and M. H. Reed (2010). “The developmental spectrum of proximal radioulnar synostosis.” Skeletal Radiol 39(1): 49-54.
  • Hung, N. N. (2008). “Derotational osteotomy of the proximal radius and the distal ulna for congenital radioulnar synostosis.” J Child Orthop 2(6): 481-489.
  • Kunes., L. R. R.-E. J. (October 28, 2023). Radioulnar Synostosis.
  • Luyckx, I., A. Verstraeten, M.-J. Goumans and B. Loeys (2022). “SMAD6-deficiency in human genetic disorders.” npj Genomic Medicine 7(1): 68.
  • Rutkowski, P. T. and J. B. Samora (2021). “Congenital Radioulnar Synostosis.” J Am Acad Orthop Surg 29(13): 563-570.
  • Yang, Y., Y. Zheng, W. Li, L. Li, M. Tu, L. Zhao, H. Mei, G. Zhu and Y. Zhu (2019). “SMAD6 is frequently mutated in nonsyndromic radioulnar synostosis.” Genet Med 21(11): 2577-2585.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
ĐĂNG KÝ TƯ VẤNTRA CỨU KẾT QUẢ